Truy cập nội dung luôn

Tổng kết Đề án "Phát triển quan hệ giữa Việt Nam và các nước Trung Đông - Châu Phi giai đoạn 2016 - 2025"

Chiều 20/5, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết Đề án "Phát triển quan hệ giữa Việt Nam và các nước Trung Đông - Châu Phi giai đoạn 2016 - 2025" và phương hướng phát triển quan hệ với các nước Trung Đông - Châu Phi giai đoạn 2026 - 2030, tầm nhìn đến năm 2035. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng chủ trì Hội nghị.

Hội nghị được kết nối trực tuyến với các điểm cầu trong cả nước

Trong bối cảnh quốc tế có nhiều thách thức, Việt Nam đang tích cực thiết lập và mở rộng quan hệ đối ngoại với các quốc gia trong khu vực Trung Đông - Châu Phi, trong đó có các đối tác trọng yếu như UAE, Qatar, Ả Rập Xê Út, Israel và Ai Cập. Các hoạt động ngoại giao song phương và đa phương được đẩy mạnh, góp phần tháo gỡ rào cản và tăng cường đối thoại, hợp tác trong nhiều lĩnh vực.

Đến nay, Việt Nam đã ký kết 17 hiệp định thương mại tự do FTA, trong đó có 2 FTA với các nước thuộc khu vực Trung Đông, tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam nói chung, Thái Nguyên nói riêng tại thị trường này. Hợp tác về nông nghiệp và ngành công nghiệp Halal (các ngành công nghiệp phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng Hồi giáo) cũng đang được Việt Nam quan tâm phát triển.

Kết quả xuất khẩu trong năm 2024 của Việt Nam vào một số thị trường tiêu biểu thuộc khu vực Trung Đông - Châu Phi, cụ thể: Ả Rập Xê Út (đạt 610 triệu USD với các sản phẩm điện thoại, linh kiện điện tử, dụng cụ y tế); Thổ Nhĩ Kỳ (đạt 450 triệu USD với các sản phẩm điện thoại, linh kiện điện tử), Israel (đạt 270 triệu USD với các sản phẩm điện thoại, linh kiện điện tử, dụng cụ y tế, sản phẩm may mặc, quặng vonfram). Trong quý I năm 2025, kết quả xuất khẩu sang các thị trường trên tiếp tục duy trì đà tăng trưởng.

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên

Tại Thái Nguyên, các hoạt động hợp tác với khu vực Trung Đông - Châu Phi còn hạn chế, chủ yếu tập trung vào các đối tác truyền thống như Hàn quốc, Lào, Trung Quốc... Tuy nhiên trong bối cảnh toàn cầu hóa và nhu cầu đa dạng hóa đối tác, việc tăng cường quan hệ với khu vực Trung Đông - Châu Phi là xu hướng cần được xem xét nhằm mở rộng thị trường và tận dụng các cơ hội hợp tác mới. Việc tham gia và thúc đẩy phát triển sản phẩm Halal trong lĩnh vực nông nghiệp đã được quan tâm triển khai. Ngày 22/10/2024, tỉnh Thái Nguyên đã tham dự Hội nghị Halal toàn quốc với chủ đề “Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng ngành Halal Việt Nam phát triển bền vững” do Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Hà Nội. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực và có lợi thế cạnh tranh của tỉnh Thái Nguyên khi thâm nhập thị trường các nước Trung Đông - Châu Phi gồm: Sản phẩm dệt may; hàng điện tử, điện thoại và các loại linh kiện; dụng cụ y tế.

Dệt may là mặt hàng xuất khẩu chủ lực và có lợi thế cạnh tranh của tỉnh Thái Nguyên khi thâm nhập thị trường các nước Trung Đông - Châu Phi 

Tại Hội nghị, các đại biểu đã đề cập những khó khăn, vướng mắc khi xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Trung Đông - Châu Phi như: Việc truy xuất nguồn gốc, yêu cầu cao về nguồn nguyên liệu, thức ăn; hạn chế trong việc trao đổi thông tin, tiếp cận thị trường cũng như triển khai các hoạt động hợp tác cụ thể; thủ tục hành chính, các hợp đồng, chứng nhận có sự thay đổi và chậm được cập nhật, gây khó khăn cho xuất khẩu sang các thị trường này.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng nhấn mạnh: Năm 2025, Bộ Ngoại giao xác định một số nhóm giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác trên mọi lĩnh vực với các nước khu vực Trung Đông - Châu Phi: Tiếp tục cụ thể hóa những thỏa thuận, cam kết nhân các chuyến thăm cấp cao, tạo động lực mới cho hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, góp phần thắt chặt quan hệ giữa Việt Nam với các quốc gia Trung Đông - Châu Phi. Củng cố và phát triển nền tảng quan hệ chính trị tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước khu vực thông qua tăng cường trao đổi đoàn các cấp, nhất là các đoàn cấp cao. Nghiên cứu khai thác tối đa hiệu quả các thỏa thuận đã ký kết, hỗ trợ hàng hóa Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường khu vực; tiếp tục đổi mới cách làm trong công tác xúc tiến thương mại, đầu tư, nâng cao hiệu quả không gian trưng bày sản phẩm Việt Nam tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại...

Thanh Mai
thainguyen.gov.vn