Tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm
Mon Apr 07 21:35:00 GMT+07:00 2025
UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trong 3 tháng đầu năm 2025, cả nước đã ghi nhận nhiều ổ dịch nguy hiểm. Cụ thể, có 06 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại 04 tỉnh, thành phố; 84 ổ dịch tả lợn Châu Phi tại 22 tỉnh, thành phố; 07 tỉnh có ổ dịch lở mồm long móng; 05 tỉnh có ổ dịch viêm da nổi cục. Hơn 18.926 con gia cầm và 5.200 con lợn đã buộc phải tiêu hủy. Đặc biệt, đã có 20 người tử vong do bệnh dại tại 13 tỉnh và 80 động vật tại 22 tỉnh, thành phố bị tiêu hủy vì mắc bệnh này. Mặc dù số tỉnh nghi mắc bệnh dại giảm so với cùng kỳ năm ngoái, song số ca tử vong lại tăng đáng kể, cho thấy tình hình dịch bệnh vẫn rất đáng lo ngại.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên chưa ghi nhận các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên chưa ghi nhận các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi. Tuy nhiên, nguy cơ phát sinh dịch bệnh là rất cao do tổng đàn vật nuôi lớn, mật độ chăn nuôi cao, nhu cầu tái đàn gia tăng, trong khi chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng lớn và các biện pháp an toàn sinh học còn hạn chế.
Trước tình hình đó, thực hiện chỉ đạo tại Công điện số 31/CĐ-TTg ngày 04/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tập trung thực hiện nghiêm túc một số nội dung trọng tâm.
Trước hết, các đơn vị tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, cần thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định tại Luật Thú y và các văn bản hướng dẫn liên quan. Đồng thời, tiếp tục triển khai các nội dung tại Kế hoạch số 214/KH-UBND ngày 19/11/2024 và Quyết định số 3281/QĐ-UBND ngày 24/12/2024 của UBND tỉnh về tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm năm 2025.
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố trực tiếp chỉ đạo và huy động các nguồn lực để xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để dịch lây lan. Cần triển khai kịp thời chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại; tổ chức thống kê chính xác đàn vật nuôi, khẩn trương tiêm phòng đợt I/2025 trong tháng 4 đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt tối thiểu 80% tổng đàn.
Bên cạnh đó, các địa phương hướng dẫn người dân tăng cường vệ sinh, sát trùng chuồng trại, xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh; đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống dịch bằng nhiều hình thức phù hợp. Đồng thời, bố trí kinh phí, nhân lực để triển khai hiệu quả các kế hoạch đã được phê duyệt và thành lập các đoàn kiểm tra do lãnh đạo địa phương đứng đầu nhằm kiểm tra, đôn đốc và xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực này.
Sở Nông nghiệp và Môi trường tăng cường kiểm tra, giám sát thú y cơ sở; quản lý vận chuyển động vật và sản phẩm động vật; phối hợp liên ngành phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch và an toàn thực phẩm.
Sở Y tế phối hợp giám sát các bệnh lây truyền từ động vật sang người, đặc biệt là những trường hợp có tiếp xúc với động vật ốm, chết, nhằm triển khai kịp thời các biện pháp cách ly, điều trị. Cùng với đó, Sở Công Thương đảm bảo an toàn thực phẩm trong lưu thông và kinh doanh sản phẩm động vật, chỉ cho phép lưu hành những sản phẩm đã qua kiểm soát giết mổ.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu người đứng đầu các đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh nếu để xảy ra dịch bệnh gia súc, gia cầm phát sinh trên diện rộng
Sở Tài chính có trách nhiệm tham mưu, đề xuất bố trí kinh phí cho các hoạt động phòng, chống dịch theo quy định. Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng chức năng điều tra, theo dõi, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển động vật không rõ nguồn gốc, không đảm bảo kiểm dịch.
Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Thái Nguyên phối hợp tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống. Các sở, ban, ngành liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ phối hợp triển khai thực hiện và kịp thời đề xuất tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu người đứng đầu các đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh nếu để xảy ra dịch bệnh gia súc, gia cầm phát sinh trên diện rộng do chủ quan, lơ là hoặc thiếu trách nhiệm trong công tác chỉ đạo phòng, chống dịch.
thainguyen.gov.vn